Tại TPHCM, ở điểm thi Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), Mai Nguyễn Hồng Phúc, học sinh lớp 12A13, Trường THPT Trần Văn Giàu, cho biết, em đăng ký thi tổ hợp Khoa học xã hội. "Môn thi khó nhất đối với em là Lịch sử do đề thi dài, câu hỏi trải dài ở nhiều giai đoạn lịch sử, tuy nhiên nếu ôn tập nghiêm túc vẫn đạt điểm 8. Với môn Địa lý, em thấy đề thi khá dễ thở do gần nửa câu hỏi sử dụng Atlat địa lý. Riêng môn Giáo dục công dân có một số câu hỏi tình huống hơi lạ khiến em phải đọc kỹ đề mới loại trừ được đáp án", Hồng Phúc cho biết.

Tương tự, Bùi Trần Quỳnh Như, học sinh lớp 12A9, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, nhận định, ở môn Giáo dục công dân, các năm trước đề thi cho tình huống rồi hỏi ai vi phạm nhưng năm nay lại hỏi ai không vi phạm. Vì vậy, nếu thí sinh không đọc kỹ đề sẽ chọn đáp án sai.

Ở môn Lịch sử, Quỳnh Như cho rằng, đề thi có cấu trúc tương tự đề minh họa. Trong đó, phần lịch sử Việt Nam chiếm số lượng câu hỏi chủ yếu, kiểm tra kiến thức cơ bản, không yêu cầu học sinh so sánh hay vận dụng cao.

Thí sinh phấn khởi sau khi hoàn thành bài thi tổ hợp tại điểm thi THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh). Ảnh: THU TÂM

Đối với tổ hợp Khoa học tự nhiên, Hoàng Ngọc Thành Nam, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Trần Văn Giàu, cho rằng, môn Sinh học đề dài và khó nhất, môn Vật lý đề thi có mức độ phân hóa trung bình, riêng môn Hóa học vẫn là môn thi "gỡ điểm" giống các năm trước.

Theo đó, đề thi môn Hóa học chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản, trong khi môn Sinh học có nhiều dữ liệu gây rối.

Tại điểm thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), 2 thí sinh Võ Thành Đạt, học sinh lớp 12A12 và Phí Trịnh Phương Anh, học sinh lớp 12A1 nhận định, cả 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội đều có cấu trúc tương đương năm 2023.

Nhìn chung, mức độ phân hóa của các môn thi không cao hơn năm ngoái, học sinh ôn tập kỹ lưỡng có thể đạt điểm 7-8, riêng điểm 9-10 đòi hỏi khả năng tư duy, xâu chuỗi kiến thức.

Thí sinh ra về tại điểm thi Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh). Ảnh: THU TÂM

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, đối với tổ hợp Khoa học tự nhiên, toàn thành phố có 49.444 thí sinh đăng ký bài thi Vật lý, 49.730 thí sinh thi môn Hóa học và 49.234 thí sinh thi môn Sinh học.

Đối với tổ hợp Khoa học xã hội, có 37.037 thí sinh thi môn Lịch sử, 36.836 thí sinh thi môn Địa lý và 29.421 thí sinh thi môn Giáo dục công dân.

Thí sinh Võ Thành Đạt và Phí Trịnh Phương Anh tại điểm thi THPT Bùi Thị Xuân (quận 1). Ảnh: THU TÂM

Thí sinh hoàn thành môn thi thứ ba tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, sáng 28-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tùy theo đăng ký, các em sẽ làm bài tổ hợp Khoa học tự nhiên, hoặc tổ hợp Khoa học xã hội.

Bài tổ hợp Khoa học tự nhiên gồm các môn thành phần: Vật lí, Hóa học, Sinh học. Bài tổ hợp Khoa học xã hội gồm các môn thành phần: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân.

Thí sinh đã đăng ký bài thi tổ hợp nào thì làm bài thi tổ hợp đó, không được làm cả hai bài tổ hợp.

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải làm đủ bốn bài thi, gồm ba bài độc lập là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp. Thí sinh phải bảo đảm điều kiện tất cả bài thi và môn thi thành phần của bài thi tổ hợp đều đạt trên 1 điểm (trên thang điểm 10) thì mới được công nhận tốt nghiệp THPT.

Các môn thi thành phần trong mỗi tổ hợp có 40 câu hỏi trắc nghiệm, Sinh học là môn thi cuối trong bài tổ hợp Khoa học tự nhiên ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh dự thi tổ hợp Khoa học xã hội được mang theo Atlat Địa lí Việt Nam được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 (không có đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung nào khác).

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hơn 670.000 trong khoảng một triệu thí sinh năm nay chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội, chiếm 63%. Tỷ lệ này cao nhất 7 năm qua. Còn lại chọn bài thi Khoa học Tự nhiên.

Thí sinh hoàn thành môn thi thứ ba tại điểm thi Trường THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, sáng 28-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thí sinh hoàn thành bài thi tổ hợp tại Trường THCS Văn Yên, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: PHAN THẢO

Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm thi, số thí sinh chọn thi hợp Khoa học xã hội đông hơn hẳn thi Khoa học Tự nhiên.

Thí sinh phấn khởi hoàn thành môn thi thứ ba tại Trường THPT Lương Thế Vinh, quận Cầu Giấy, Hà Nội, sáng 28-6. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thí sinh Trần Minh Anh, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội chọn tổ hợp Toán - Lý - Anh để xét tuyển. Em nhận xét đề thi Lý hơi dài, trong số 40 câu thì em làm chắc chắn đúng 30 câu. Đề thi hơi khó so với đề thi minh họa.

Một số thí sinh cũng nhận xét đề Sinh, Hóa đều hơi dài.

Thí sinh Dương Gia Bảo, học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông, Hà Nội

Thí sinh Dương Gia Bảo, học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, em dự định dùng kết quả các môn thi Toán - Lý - Anh, Văn, Sử để xét tuyển ngành Marketing của Học viện Ngân hàng. Nhận xét đề thi khoa học xã hội không khó, ví dụ như môn Địa lí chỉ cần sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam cũng làm bài được 6-7 điểm.

Thí sinh Đỗ Quỳnh Chi sử dụng tổ hợp Toán-Văn-Anh để xét vào ngành tiểu học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nên cũng chỉ thi bài tổ hợp để xét tốt nghiệp.

Thí sinh Nguyễn Trần Gia Bảo chọn thi tổ hợp khoa học xã hội để xét tốt nghiệp, đánh giá các môn thi thành phần đều dễ. Là học sinh chuyên Sử, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội, Bảo cho biết em đã đỗ sớm các Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ, do đó thi chỉ để xét tốt nghiệp.

Thí sinh hoàn tất bài thi tổ hợp tại Điểm thi Trường THCS Văn Yên, quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: PHAN THẢO

Ảnh: PHAN THẢO

Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm thi Trường THCS Văn Yên, quận Hà Đông, Hà Nội, số thí sinh dự thi tổ hợp Khoa học xã hội đông hơn hẳn tổ hợp Khoa học tự nhiên. Đánh giá của nhiều thí sinh đều cho rằng, đề thi khoa học xã hội dễ.

Buổi chiều 28-6, thí sinh sẽ làm bài thi Ngoại ngữ - bài thi cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Tin liên quan

Sáng 28-6, thí sinh bước vào bài thi tổ hợp kỳ thi tốt nghiệp THPT

Gợi ý giải bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội

PHAN THẢO - THU TÂM